Chắc hẳn ba mẹ nào cũng từng gặp tình huống khi con bỗng nhiên lăn ra khóc lóc, giận dỗi chỉ vì một lý do rất nhỏ. Hoặc những khi con ăn vạ, gào khóc ở nơi đông người chỉ vì ba mẹ từ chối một yêu cầu nào đó. Khi gặp phải tình huống như vậy, nhiều ba mẹ lập tức bối rối, thậm chí mất bình tĩnh. Phải dỗ dành, nghiêm khắc hay phớt lờ? Nếu xử lý không đúng cách, trẻ có thể dần hình thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến tính cách lâu dài.
Trong bài viết này, UCMAS Việt Nam sẽ cùng ba mẹ tìm hiểu nguyên nhân của việc con ăn vạ, hờn dỗi và những phương pháp hiệu quả để giúp con kiểm soát cảm xúc mà không làm tổn thương con.

1. Nguyên nhân trẻ hờn dỗi, ăn vạ là gì?
Để xử lý hiệu quả, trước tiên ba mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi này ở trẻ:
- Thay đổi tâm sinh lý: Giai đoạn từ 0-6 tuổi, trẻ trải qua nhiều biến đổi về tâm sinh lý, khiến con dễ khóc lóc, dỗi hờn khi mong muốn không được đáp ứng.
- Khả năng ngôn ngữ hạn chế: Trẻ chưa phát triển đầy đủ kỹ năng giao tiếp, nên khóc lóc, ăn vạ là cách nhanh nhất để thu hút sự chú ý và biểu đạt mong muốn.
- Muốn thu hút sự chú ý: Khi cảm thấy thiếu sự quan tâm, trẻ có thể dùng hành vi ăn vạ để được ba mẹ chú ý nhiều hơn.
- Được nuông chiều quá mức: Nếu mỗi lần trẻ ăn vạ mà ba mẹ đều đáp ứng ngay lập tức, con sẽ hình thành thói quen sử dụng hành vi này để đạt được điều mình muốn.
- Trẻ mệt mỏi, đói hoặc căng thẳng: Khi trẻ ở trong trạng thái không thoải mái, hành vi ăn vạ có thể xuất hiện như một cách phản ứng tự nhiên.
2. Top 5 bí quyết kiểm soát cơn ăn vạ ở trẻ
2.1 Giữ bình tĩnh
Khi con khóc lóc, mè nheo, nhiều ba mẹ dễ bị cuốn vào cảm xúc và phản ứng ngay lập tức bằng cách quát mắng hoặc dỗ dành để con nín khóc nhanh nhất có thể. Nhưng thực tế, trẻ nhỏ chưa thể tự điều chỉnh cảm xúc của mình, và nếu ba mẹ cũng mất bình tĩnh, con sẽ càng khó kiểm soát hơn.
Cách tốt nhất là ba mẹ hãy hít thở sâu, giữ giọng điềm tĩnh và không phản ứng thái quá. Khi ba mẹ bình tĩnh, con cũng sẽ học cách tự trấn an. Nếu con vẫn tiếp tục ăn vạ, ba mẹ có thể tạm thời lùi lại một chút để con có không gian bình tĩnh lại. Khi con bắt đầu lắng xuống, đó là thời điểm phù hợp để ba mẹ trò chuyện, hướng dẫn con cách bày tỏ cảm xúc bằng lời nói.

2.2 Thấu hiểu và đồng cảm với con
Trẻ nhỏ chưa thể phân biệt rõ giữa cảm xúc và hành vi, vì vậy ăn vạ là cách con thể hiện sự thất vọng, tức giận hoặc bất lực khi không được như ý. Nếu ba mẹ chỉ tập trung vào việc ngăn chặn hành vi khóc lóc mà không quan tâm đến nguyên nhân, trẻ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và có xu hướng lặp lại hành vi ăn vạ nhiều hơn.
Thay vì vội vàng bác bỏ cảm xúc của con, ba mẹ nên quan sát, lắng nghe và thể hiện sự thấu hiểu. Khi trẻ cảm thấy được công nhận, con sẽ dễ dàng lắng nghe những hướng dẫn tiếp theo của ba mẹ hơn.
2.3 Hướng dẫn con bày tỏ cảm xúc bằng lời nói thay vì khóc lóc
Trẻ nhỏ ăn vạ không phải vì muốn làm ba mẹ khó chịu, mà vì con chưa biết cách diễn đạt cảm xúc của mình. Vì vậy, ba mẹ có thể giúp con thay đổi bằng cách dạy con gọi tên cảm xúc và thể hiện mong muốn một cách rõ ràng. Khi con học cách diễn đạt bằng lời nói, con sẽ ít có nhu cầu sử dụng nước mắt để giao tiếp.
Quá trình này cần sự kiên nhẫn và thực hành thường xuyên. Điều quan trọng là ba mẹ cần làm gương. Nếu con thấy ba mẹ giao tiếp bằng cách bình tĩnh bày tỏ cảm xúc, con sẽ học theo và dần hình thành thói quen sử dụng lời nói thay vì phản ứng tiêu cực. Khi con đã quen với việc diễn đạt suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, tình trạng ăn vạ sẽ giảm đi đáng kể.
2.4 Thiết lập quy tắc rõ ràng, nhất quán
Trẻ nhỏ học hỏi thông qua sự lặp lại, vì vậy sự nhất quán trong nguyên tắc nuôi dạy là điều vô cùng quan trọng. Nếu ba mẹ thay đổi quyết định chỉ vì con mè nheo, trẻ sẽ học được rằng khóc lóc là cách hiệu quả để đạt được điều mình muốn.
Để tránh những cơn ăn vạ không cần thiết, ba mẹ có thể thống nhất trước một số nguyên tắc trong các tình huống dễ gây ra tranh cãi, chẳng hạn như thời gian xem tivi, số lượng đồ chơi được mua khi đi siêu thị, hoặc giờ giấc sinh hoạt hàng ngày. Khi trẻ biết trước quy tắc và hiểu rằng ba mẹ sẽ không thay đổi quyết định, con sẽ ít có xu hướng phản ứng tiêu cực hơn.
Quan trọng nhất, nguyên tắc cần được duy trì ổn định theo thời gian. Nếu hôm nay ba mẹ nghiêm khắc nhưng ngày mai lại dễ dãi, trẻ sẽ rơi vào tâm lý “thử xem ba mẹ có đổi ý không”, và từ đó ăn vạ có thể trở thành một thói quen khó bỏ.

2.5 Khen ngợi khi con cư xử tốt
Trẻ nhỏ luôn mong muốn nhận được sự công nhận từ ba mẹ. Khi con có thể tự điều chỉnh cảm xúc mà không khóc lóc hay mè nheo, ba mẹ nên ghi nhận và khen ngợi để củng cố hành vi tích cực này.
Lời khen không cần phải khoa trương hay phần thưởng lớn. Đôi khi, chỉ một cái ôm, một nụ cười, một lời động viên đơn giản cũng đủ để con cảm thấy tự hào về bản thân. Khi trẻ nhận ra rằng việc kiểm soát cảm xúc mang lại phản hồi tích cực, con sẽ có xu hướng lặp lại hành vi đó nhiều hơn. Dần dần, con sẽ hình thành thói quen tự điều chỉnh cảm xúc mà không cần đến những phản ứng tiêu cực như ăn vạ.
Bài viết liên quan:
- PHƯƠNG PHÁP KỶ LUẬT TÍCH CỰC TRONG NUÔI DẠY CON HIỆN ĐẠI
- KINH NGHIỆM NUÔI DẠY CON KIỂU NHẬT CHO BỐ MẸ VIỆT
3. Những điều ba mẹ cần tránh khi con ăn vạ
- Quát mắng, mất bình tĩnh: Càng la mắng, con càng hoảng loạn và khó kiểm soát cảm xúc hơn.
- Dọa nạt hoặc trừng phạt con: Dọa con sẽ bị “ông kẹ bắt” hay đánh mắng không giúp con học cách kiểm soát cảm xúc, mà chỉ tạo nỗi sợ và tâm lý chống đối.
- Phớt lờ cảm xúc của con: Không nên quá tập trung vào việc bắt con nín khóc ngay lập tức, mà ba mẹ cần cho con thời gian bình tĩnh rồi tìm hiểu nguyên nhân khiến con ăn vạ.
- Nhượng bộ theo yêu cầu của con: Dỗ dành bằng cách chiều theo con sẽ khiến trẻ nghĩ rằng ăn vạ là cách hiệu quả để đạt được điều mình muốn.
- Giải thích quá nhiều khi con đang ăn vạ: Khi trẻ đang khóc lóc, la hét, ba mẹ càng nói nhiều, con càng không nghe. Hãy giúp con bình tĩnh rồi mới giải thích vấn đề.
- So sánh con với bạn bè hoặc anh chị em: Những câu nói như “Con thấy em bé kia đâu có khóc khi không được mua đồ chơi đâu?”, có thể khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương và càng bướng bỉnh hơn.

Kết luận
Học cách kiểm soát cảm xúc là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ không chỉ vượt qua những cơn hờn dỗi, ăn vạ mà còn biết cách thích nghi với môi trường xung quanh một cách tích cực. Điều này không chỉ giúp con hình thành nhân cách tối, trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, mà còn là một hành trang quan trọng trước khi vào lớp 1.
Bước vào môi trường tiểu học, trẻ sẽ phải đối diện với nhiều thay đổi—từ kỷ luật lớp học, bài tập, sự tương tác với thầy cô, bạn bè đến những thử thách lớn hơn trong học tập. Một đứa trẻ biết kiểm soát cảm xúc, thể hiện mong muốn đúng cách và có khả năng thích nghi sẽ dễ dàng hòa nhập, học tập tốt hơn và tự tin hơn trong mọi tình huống.
Tại chương trình tiền tiểu học UCKid, trẻ không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được rèn luyện kỹ năng cảm xúc, giao tiếp và khả năng thích nghi thông qua phương pháp P-E-G hiện đại (Học qua Dự án, Trải nghiệm và Trò chơi). UCKid giúp con học cách diễn đạt suy nghĩ, làm việc nhóm và phản xạ linh hoạt, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cả về học thuật lẫn kỹ năng sống để con tự tin bước vào lớp 1.
Bố Mẹ có nhu cầu tìm hiểu về chương trình Tiền tiểu học của UCKid, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 0967 868 623 hoặc truy cập website www.uckid.vn để được đội ngũ tư vấn chi tiết nhất.